DANH MỤC

THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – MỸ ĐANG MỞ RA TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN MỚI.

THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – MỸ ĐANG MỞ RA TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN MỚI.

Sau hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ, hiện Việt Nam là đối tác thương mại xếp thứ 12 về xuất khẩu hàng hóa và xếp thứ 27 về nhập khẩu hàng hóa của Mỹ. Tăng trưởng thương mại giữa hai nước đạt trung bình trên 25%/năm.

Chính vì vậy, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, từ ngày 29 – 31/5 này được kỳ vọng tiếp tục tạo nên những bước ngoặt mới cho quan hệ thương mại hai nước trong thời gian tới

Quan hệ thương mại tăng 668 lần

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, kim ngạch thương mại Việt Nam – Mỹ đã đạt gần 41,5 tỷ USD. Sau hơn 20 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao (1994), kim ngạch hai chiều đã tăng tới 187 lần.

Nếu so sánh với năm 1993 – 1 năm trước khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam thì kim ngạch thương mại hai nước đã tăng tới 668 lần. Đây thực sự là con số vô cùng ấn tượng trong quan hệ thương mại giữa hai nước.

Cũng theo báo cáo của Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương), kể từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam – Mỹ (BTA) có hiệu lực từ năm 2000 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ liên tục tăng trưởng ở mức cao.

 

Tính đến cuối năm 2016, Mỹ đã đầu tư 815 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 10,07 tỷ USD, xếp thứ 8/112

quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

 

Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng mạnh từ khoảng 1 tỷ USD vào năm 2001, đã lên trên 38,46 tỷ USD năm 2016 và có thể đạt trên 41 tỷ USD vào năm 2017. Nếu tính riêng về xuất khẩu hàng hóa, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 12 vào thị trường Mỹ (năm 2016).

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mỹ phải kể đến là dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện tử, thủy sản, máy móc thiết bị, phụ tùng, túi xách, điện thoại và linh kiện và nhiều mặt hàng nông sản khác…

Đặc biệt, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ không chỉ là quan hệ thương mại song phương mà còn là tương tác thương mại. Thực tế giao thương thương mại Việt – Mỹ trong thời gian qua cho thấy, không chỉ xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã có sự tăng trưởng tốt, Việt Nam cũng là thị trường phát triển nhanh nhất cho xuất khẩu của Mỹ trên thế giới.

Trong đó, năm 2015, xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam tăng 24%, đạt 7,1 tỉ USD. Dự báo đến năm 2020, ngay cả không có TPP, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ sẽ đạt khoảng 57 tỉ USD và xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam chắc chắn sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay.

Ở chiều ngược lại, Mỹ cũng đã xuất khẩu vào Việt Nam một lượng hàng hóa không nhỏ. Cụ thể, năm 2016, tổng kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ của Việt Nam đạt 8,7 tỷ USD, chiếm 4,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu chính từ Mỹ gồm máy vi tính, sản phẩm linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, phương tiện vận tải và phụ tùng…

Mỹ luôn chú trọng đầu tư vào Việt Nam

 

 

Mặc dù Hiệp định TPP sẽ không có sự tham gia của Mỹ khi Tổng thống Trump quyết định rời khỏi Hiệp định này, song theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, ngay cả khi không có TPP, Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam vẫn luôn là điểm đến được các doanh nghiệp Mỹ lựa chọn đầu tư hàng đầu.

Con số thống kê gần đây cho thấy, tính đến cuối năm 2016, Mỹ đã đầu tư 815 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 10,07 tỷ USD, xếp thứ 8/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Việt Nam cũng đã có 147 dự án đầu tư sang Mỹ, với tổng vốn đăng ký 571,38 triệu USD. Mỹ hiện đứng thứ 9 trong số 68 quốc gia tiếp nhận đầu tư trực tiếp của Việt Nam.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư do Bộ KH&ĐT phối hợp với Hội đồng Kinh doanh ASEAN – Mỹ tổ chức mới đây, đại diện gần 150 doanh nghiệp Mỹ đã đánh giá, môi trường đầu tư tại Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao sự tin tưởng của các nhà đầu tư, tổ chức quốc tế vào khả năng phát triển kinh tế của Việt Nam.

Còn theo nhận định của  Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), Việt Nam vẫn là sự lựa chọn số 1 của các doanh nghiệp Mỹ trong số các nước Đông Nam Á. Nhiều doanh nghiệp Mỹ cho biết, họ đã có sự chuẩn bị và đưa ra những chiến lược kinh doanh mới tại Việt Nam.

Đơn cử, theo Giám đốc Marketing toàn cầu của Công ty Archer Daniels Midland (ADM) – một doanh nghiệp chế biến và sản xuất trong lĩnh vực thực phẩm, ADM đã hoạt động tại Việt Nam từ những năm 1990 và luôn coi Việt Nam là thị trường chiến lược của mình.

“Hiện công ty vẫn đang tiếp tục có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Không chỉ chú trọng đầu tư, ADM cũng cam kết sẽ cùng tương tác, hỗ trợ để Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, vị này nói.

Dựa trên mối quan hệ thương mại phát triển tích cực giữa hai nước trong thời gian qua, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong dịp này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp này lên một tầm cao mới./.

Có tới 72% các doanh nghiệp Mỹ đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được cải thiện tích cực. Trên 40% doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới. Hơn 80% các doanh nghiệp của Mỹ kỳ vọng hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận của họ sẽ tăng trong năm tới./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dịch vụ logistics ở Việt Nam có quy mô 20-22 tỷ USD/năm 6/6/2017 1:00:22 PM

Việt Nam hiện có khoảng trên 1.300 doanh nghiệp logistics. Dịch vụ logistics đang có quy mô 20-22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước.

Xem thêm
Cơ hội & thách thức cho ngành Logistics Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập sâu 6/6/2017 5:41:00 PM

Logistics đóng góp quan trọng vào quá trình phân phối hàng hoá từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng và là cầu nối thương mại toàn cầu. Hoạt động logistics ngày nay không chỉ gắn liền với hoạt động kho vận, giao nhận vận tải, mà còn lên kế hoạch, sắp xếp dòng chảy nguyên, vật liệu từ nhà cung ứng đến nhà sản xuất, sau đó luân chuyển hàng hóa từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng, tạo nên sự liên thông trong toàn xã hội theo những phương án tối ưu hóa, giảm chi phí luân chuyển và lưu kho.

Xem thêm



Đơn vị thiết kế web www.vietads.net.vn